Tin tức ngành điện

Thuỷ điện Hoà Bình cán mốc 250 tỷ kWh

Thứ sáu, 28 Tháng 5 2021 01:57

Tin tức

Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cho biết, đúng 2h05 phút ngày 25/5/2021, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã cán mốc sản lượng 250 tỷ kWh, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Thuỷ điện Hoà Bình cán mốc 250 tỷ kWh
Các tổ máy tại thuỷ điện Hoà Bình

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979, có 8 tổ máy vận hành với tổng công suất lắp đặt là 1.920MW.

Trải qua 33 năm vận hành, đây là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trước năm 2010, khi chưa có các thủy điện bậc thang trên (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), Thủy điện Hòa Bình là nguồn điện có công suất lắp đặt lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sản lượng điện trung bình hàng năm đạt xấp xỉ mức thiết kế 8,16 tỷ kWh. Trong thời kỳ đầu vận hành, điện sản xuất của Nhà máy chiếm tỉ trọng khoảng 35-40% toàn hệ thống, đáp ứng dư thừa nhu cầu điện khu vực miền Bắc; đồng thời cung cấp một phần sản lượng điện rất lớn cho miền Nam, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở miền Nam khi đó.

Từ năm 2010 trở đi, sau khi các bậc thang thủy điện lớn phía thượng lưu dòng sông Đà lần lượt đưa vào vận hành, sản lượng điện của Thủy điện Hòa Bình tăng vọt lên xấp xỉ 10 tỷ kWh/năm, tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu. Riêng năm 2017, sản lượng sản xuất lập kỷ lục 11,25 tỷ. Từ thời điểm thành lập và đi vào vận hành đến nay, sản lượng điện sản xuất của Nhà máy lũy kế đã đạt 250 tỷ kWh.

Thủy điện Hòa Bình đã thực sự phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu. Hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 đã giúp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.

Với quy mô là nhà máy thủy điện lớn trong hệ thống điện quốc gia, Thủy điện Hòa Bình được đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện.

Song song với các nhiệm vụ này, Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác. Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 65-70% tổng lượng xả từ tất cả các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc. Không chỉ vậy, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm từ 0,6-2,5 m, giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.

Thuỷ điện Hoà Bình cán mốc 250 tỷ kWh
Lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình và kíp trực vận hành chứng kiến thời điểm Nhà máy đạt sản lượng 250 tỷ kWh điện

Ngoài các nhiệm vụ sản xuất điện, phòng chống lũ, điều tiết nước tưới tiêu cho nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, hằng năm, Công ty Thủy điện Hòa Bình còn đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Những năm gần đây, Công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000-1.400 tỷ đồng/năm, nộp thuế tài nguyên cho tỉnh Sơn La 300-450 tỷ đồng/năm, đóng góp tiền dịch vụ môi trường rừng cho 6 tỉnh thuộc lưu vực phía thượng nguồn sông Đà trên 200 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, lòng hồ sông Đà còn đảm bảo tốt nhu cầu giao thông thủy để tàu có trọng tải trên 1.000 tấn lưu thông trên sông Đà, đặc biệt chuyên chở hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu.

Với sản lượng điện bình quân khoảng 10 tỷ kWh/năm, hiện nay, Nhà máy giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng bởi ưu điểm là toàn bộ 8 tổ máy có khả năng chuyển đổi nhanh giữa các chế độ làm việc nên Nhà máy luôn đảm nhận tốt vai trò điều tần và điều áp, góp phần duy trì ổn định chất lượng điện năng cho cả hệ thống.

Theo Báo Công Thương

 

Xây Dựng Hệ Thống Truyền Tải Điện Siêu Cao Áp Một Chiều Tại Việt Nam

Thứ hai, 26 Tháng 4 2021 02:12

Tin tức

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu vấn đề nghiên cứu ứng dụng truyền tải siêu cao áp, truyền tải điện một chiều trong ngành Điện. Vì vậy, nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện việc xây dựng hệ thống truyền tải điện cao áp một chiều Bắc - Nam là hết sức cần thiết. Hiện đơn vị tư vấn đã đề xuất 3 phương án để xây dựng hệ thống truyền tải điện này.

Xu hướng thế giới

Hệ thống truyền tải điện một chiều điện áp cao (HVDC - High Voltage Direct Current) là một phương pháp truyền tải điện năng công suất lớn trên khoảng cách xa. Cùng với việc ra đời các van điện tử công suất có điều khiển (Thyristor, GTO, IGBT…) đã làm cho công nghệ truyền tải điện một chiều có tính khả thi cao. Đến nay đã có nhiều quốc gia đang áp dụng hệ thống truyền tải điện một chiều một cách hiệu quả. 

Hệ thống truyền tải điện một chiều được xây dựng chủ yếu tại các nước có diện tích lớn (Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Brasil,...), có vai trò tải điện từ các nguồn điện lớn về trung tâm phụ tải ở xa, liên kết giữa các miền trong nước hoặc liên kết giữa các nước trong khu vực, hoặc kết nối 2 hệ thống điện có tần số khác nhau. 

Nguyên lý hoạt động của hệ thống HVDC là quá trình truyền tải điện năng giữa trạm truyền (Trạm Rectifier) tới trạm đến (Trạm inverter), tức là quá trình truyền tải điện năng giữa hai trạm biến đổi. Tại trạm biến đổi này điện áp xoay chiều được cho qua trạm biến áp để cung cấp một điện áp xoay chiều thích hợp cho bộ biến đổi. Bộ biến đổi sẽ có chức năng biến dòng điện xoay chiều thành dòng điện một chiều và được truyền trên đường dây một chiều đến trạm biến đổi kia. 

Điện áp và dòng một chiều được làm phẳng bằng cuộn san dòng và khử sóng hài nhờ bộ lọc một chiều trên đường dây một chiều. Tại trạm biến đổi dòng điện và điện áp một chiều từ đường dây tải điện qua bộ biến đổi chuyển thành dòng và điện áp xoay chiều. Điện áp xoay chiều này được cho qua trạm biến áp để biến đổi thành điện áp xoay chiều mong muốn. Trong quá trình truyền tải điện năng giữa hai trạm nói trên vai trò của các mạch biến đổi tại hai trạm có thể thay đổi cho nhau dẫn đến sự đảo chiều của luồng công suất. Tại các trạm biến đổi, công suất phản kháng được cung cấp bởi các nguồn phản kháng.

Có nhiều sơ đồ truyền tải điện cao áp một chiều khác nhau, trong đó, phổ biến nhất là hệ thống truyền tải điện HVDC lưỡng cực.

Công nghệ truyền tải siêu cao áp HVDC có rất nhiều lợi ích so với truyền tải điện xoay chiều truyền thống. Hệ thống HVDC có thể truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều; điều khiển dòng năng lượng rất nhanh, do đó nâng cao độ ổn định, không chỉ đối với các liên kết HVDC mà còn đối với hệ thống xoay chiều bao quanh.

Cùng một công suất truyền tải nhưng cấp điện áp của đường dây HVDC thấp hơn đường dây AC, do đó, yêu cầu cách điện cũng đơn giản hơn. Hành lang tuyến của đường dây truyền tải điện một chiều nhỏ hơn nhiều so với truyền tải điện xoay chiều với cùng công suất truyền tải. Tác động môi trường của truyền tải điện một chiều cũng ít hơn. Điều đó cho phép truyền tải điện năng giữa hai hệ thống xoay chiều có tần số khác nhau (liên kết qua lại giữa hai hệ thống xoay chiều khác tần số). 

Tuy nhiên, công nghệ HVDC cũng tồn tại một số hạn chế như giá thành của trạm chuyển đổi, chi phí lắp đặt các thiết bị bù công suất phản kháng khá cao; phức tạp khi điều khiển. 

truyen tai_HVDC

Triển vọng tại Việt Nam

Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đang tồn tại vấn đề phân bố nguồn điện không đồng đều giữa các miền/ khu vực trong cả nước, buộc phải tiến hành truyền tải điện công suất lớn từ Bắc-Trung vào miền Nam, trong khi năng lực truyền tải điện liên miền còn nhiều hạn chế dẫn đến độ dự phòng và độ an toàn trong truyền tải điện còn thấp. Khi xảy ra sự cố trên đường dây 500kV liên miền sẽ dễ gây ra hiện tượng sụp đổ điện áp và rã lưới cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện, phụ tải điện và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Với chủ trương phát triển nguồn điện toàn quốc theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,việc ưu tiên khai thác các nguồn than nội địa phục vụ phát triển nguồn điện, khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, đưa vào các nguồn điện mới sử dụng khí thiên nhiên... đã dẫn đến hình thành các khu vực tập trung nhiều nguồn điện như khu vực Bắc Trung Bộ với các NMNĐ có quy mô lớn như Quảng Trạch (2.400MW), Vũng Áng (4.800MW), Quỳnh Lập (2.400MW), Nam Định (1.200MW), Nghi Sơn (1.800MW) và Thái Bình (1.800MW); khu vực Duyên hải miền Trung với NMNĐ Quảng Trị (1.200MW), TTĐL sử dụng mỏ khí Cá Voi Xanh công suất có thể lên đến 4.000MW, TTĐL LNG Cà Ná (6.000MW), TTĐL LNG Mỹ Giang (6.000MW),...

Hiện nay, EVN đang xúc tiến đàm phán để có thể nhập khẩu khoảng 1.000MW công suất thủy điện từ Lào giai trong năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến nhập khẩu khoảng 4.000MW công suất thủy điện từ Lào. Như vậy, khu vực miền Trung tiếp giáp với Lào sẽ tiếp nhận thêm một lượng công suất nhập khẩu tương đối lớn khoảng 5.000MW.

Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Đến tháng 02/2019, tổng công suất các nguồn điện điện mặt trời được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch và đưa vào vận hành trước năm 2020 đã đạt khoảng 13.300MWp tương đương khoảng 11.200MWac và tổng công suất các nguồn điện điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch đã đạt khoảng 4.200MW.

Như vậy, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên cả nước được bổ sung vào hoạch và đưa vào vận hành đến năm 2022 là khoảng 15.400MW. Đặc biệt tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đang được tập trung phát triển rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực này là khoảng 7.000MW.

Trong khi đó, khu vực miền Nam với nhiều bất lợi về nguồn cung năng lượng sơ cấp, các nguồn than phải nhập khẩu với số lượng lớn, kéo theo kết cấu hạ tầng các cảng trung chuyển phải xây dựng mới, cùng với những hạn chế trong khai thác và cung cấp khí thiên nhiên... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển nguồn điện tại khu vực này. Ngoài ra, giai đoạn đến năm 2030, các nguồn điện khu vực miền Bắc không còn khả năng phát triển mở rộng, lúc đó sẽ phát sinh nhu cầu nhận điện ngược trở lại.

Từ những nguyên nhân phân tích trên, đòi hỏi phải nâng cao năng lực truyền tải liên miền nhằm chia sẻ công suất dư thừa từ miền Bắc, miền Trung truyền tải cho miền Nam đến trước năm 2025 và từ miền Trung truyền tải điện ngược ra miền Bắc, vào miền Nam đến giai đoạn năm 2030 là cần thiết để đảm bảo an toàn cung cấp điện, nâng cao ổn định và góp phần vận hành kinh tế hệ thống điện cần được xem xét. Ngoài ra, việc truyền tải công suất nguồn điện (nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió, LNG,…) tương đối lớn từ khu vực Nam Trung Bộ về khu vực trung tâm phụ tải của miền Nam cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ.

HVDC Nho_Quan


Đường dây HVDC đề xuất Nho Quan – Cầu Bông
Hiện EVN giao cho Liên danh Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 và 2 xây dựng các phương án nhằm tối ưu hiệu quả trong vận hành hệ thống truyền tải. 3 phương án đã được xây dựng gồm:Tìm phương án tối ưu

Phương án 01: Xây dựng một đường dây 500kV xoay chiều mới truyền tải công suất Bắc - Trung - Nam. 
Phương án 02: Xây dựng một đường dây 500kV một chiều mới truyền tải công suất Bắc - Trung - Nam.
Phương án 03: Cải tạo một mạch đường dây 500kV hiện có thành đường dây HVDC truyển tải công suất Bắc - Trung - Nam.

Theo kết quả tính toán sơ bộ về vốn đầu tư giữa các phương án truyền tải HVAC và HVDC cho thấy, phương án xây dựng mới trục ĐD 500kV HVDC truyền tải Bắc - Trung - Nam là phương án có vốn đầu tư thấp nhất, phù hợp với lý thuyết và kinh nghiệm đã đúc kết được trên thế giới.Với khoảng cách truyền tải điện Bắc - Nam khoảng  hơn 1700km, công suất truyền tải có thể đạt 2.500MW, phương án sử dụng công nghệ HDVC có thể truyền tải công suất trên một khoảng cách lớn mà không bị giảm khả năng tải như đường dây xoay chiều là phương án phù hợp. 

Phương án xây dựng đường dây HVDC 500kV có các ưu điểm như giảm tổn thất công suất, tăng độ ổn định, hạn chế gia tăng dòng ngắn mạch trên hệ thống điện, giảm ảnh hưởng môi trường (diện tích đất sử dụng, điện từ trường,...) và tạo điều kiện vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện trong tương lai. 

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng thi công các công trình đường dây là rất khó khăn, phức tạp, là tác nhân chính dẫn tới việc chậm tiến độ thi công, đóng điện công trình. Tuyến đường dây này nếu được xây dựng có quy mô rất lớn, dài 1700km, đi qua các hàng chục tỉnh, thành phố, nếu xây dựng tuyến mới công tác thỏa thuận với các địa phương là những khó khăn lớn. Tuyến đường dây còn đi qua khu vực miền Trung là nơi có quỹ đất xây dựng rất hạn chế, do đó việc tận dụng lại hành lang tuyến có sẵn là giải pháp khả thi, đảm bảo thời gian thi công công trình. 

Do đó, phương án nâng cao giới hạn truyền tải Bắc - Trung - Nam thực hiện theo phương án xây dựng đường dây HVDC 500kV mới trên hành lang tuyến của đường dây HVAC hiện hữu 500kV là phương án khả thi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu kinh tế kỹ thuật. 

Như vậy giải pháp sử dụng công nghệ truyền tải điện cao áp một chiều HVDC tại hệ thống điện Việt Nam là thực sự cần thiết, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Trung - Nam, nâng cao độ ổn định của hệ thống. 

Công nghệ truyền tải điện cao áp một chiều HVDC là công nghệ đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước, khi sử dụng tại Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng được các ưu điểm của công nghệ và hạn chế được các vấn đề phát sinh. Do đó, cần lập Đề án bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn tiếp theo (Quy hoạch điện VIII); tiếp tục nghiên cứu về hệ thống HVDC như tính toán hệ thống điện, thiết kế công nghệ và xây dựng, kết nối vận hành hệ thống điện, quản lý vận hành bảo trì sửa chữa với các trạm chuyển đổi, hành lang pháp lý, xây dựng quy định, quy phạm, tiêu chuẩn có liên quan; triển khai xây dựng các dự thảo quy phạm, quy chuẩn, hành lang pháp lý về HVDC để trình lên các cấp có thẩm quyền ban hành; xây dựng lộ trình đào tạo chuyên gia về thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng bảo trì hệ thống truyền tải điện HVDC, trong đó, nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn IEC và có liên quan, quy phạm của các nước trên thế giới về công nghệ điện cao áp một chiều HVDC, áp dụng tại Việt Nam. 

Theo Báo Công Thương

 

Quy hoạch điện VIII: Tối ưu hóa trong phát triển nguồn điện với chi phí sản xuất điện nhỏ nhất

Thứ tư, 24 Tháng 3 2021 02:15

Tin tức

3300 nang_luong

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII mang tính “mở”, chỉ nêu danh mục những công trình điện quan trọng, ưu tiên, những dự án đã chuẩn xác, tạo tính linh hoạt trong thực hiện. Hàng năm, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tính toán, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - khẳng định, phương thức này sẽ cho phép các nhà quản lý có thể điều hành linh hoạt quá trình phát triển điện lực, nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo điện cho đất nước.

Thưa ông, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các dự án năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Làn sóng mua bán các dự án năng lượng đã diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với an ninh năng lượng quốc gia. Trong quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì đối với những vấn đề còn tồn tại này?

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của xã hội vào ngành năng lượng đặc biệt là điện NLTT.

5851 ong-hoang-tien-dung

Ông Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)

Trên thực tế, giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án, các thỏa thuận chuyên ngành điện, giao thông, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy... Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục… tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn huy động lãi suất thấp, tiềm lực tốt về công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy... Sự kết hợp những thế mạnh của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả cho dự án và cho các bên tham gia đầu tư.

Các dự án điện gió, mặt trời thường có quy mô bé, thời gian ít, hệ số công suất thấp, phân tán rộng chứ không tập trung như các trung tâm nhiệt điện lớn nên nguy cơ với an ninh năng lượng quốc gia thấp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài vào xây dựng các dự án nguồn điện và dự án lưới điện, hạ tầng ngành điện.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, chi phí bù giá cho NLTT đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện. Bộ Công Thương lý giải như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chủ yếu: Đảm bảo an ninh cung cấp điện; Đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; Có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Theo đó, chương trình phát triển nguồn điện đã được tính toán theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ hệ thống điện tại các năm thuộc kỳ quy hoạch. Chi phí sản xuất điện bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nguồn điện; chi phí nhiên liệu; chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa; chi phí sử dụng đất; chi phí sử lý phế thải của nguồn điện sau đời hoạt động; chi phí truyền tải liên vùng; chi phí về môi trường xã hội...

Chương trình phát triển nguồn điện còn xem xét đến các yếu tố ràng buộc khác như: Độ tin cậy cung cấp điện và an ninh cung cấp điện; khả năng đáp ứng các cam kết của Việt Nam về phát thải đối với quốc tế; khả năng cung cấp nhiên liệu trong nước và khả năng nhập khẩu than, LNG từ nước ngoài; khả năng mua điện từ các nước láng giềng và khả năng kết nối lưới điện các nước GMS, các nước ASEAN.

Theo đó, tỷ trọng của các nguồn điện tại Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII là kết quả đầu ra của tính toán đã đảm bảo yếu tố chi phí sản xuất điện là thấp nhất mà vẫn đảm bảo các yếu tố ràng buộc đã nêu. Điểm khác biệt của Quy hoạch điện VIII so với các quy hoạch trước đây là tại quy hoạch này đã đưa thêm các chi phí về môi trường, xã hội như: chi phí CO2, Nox, SOx, bụi PM 2.5... vào tính toán. Vì vậy, tỷ trọng của các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện than) đã giảm đáng kể so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2030, công suất đặt của nhiệt điện than tại Quy hoạch điện VIII là 37GW, giảm 18 GW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Tại tính toán Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII các nguồn điện đều cạnh tranh sòng phẳng với nhau trên cơ sở tuân thủ các tiêu chí và các ràng buộc đã nêu.

Qua tính toán cho thấy, việc phát triển các nguồn NLTT tại Việt Nam là điều tất yếu do: sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng sơ cấp; tiềm năng NLTT của Việt Nam khá lớn; giá thành sản xuất điện từ NLTT ngày càng giảm do sự phát triển của khoa học công nghệ; để đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải. Tại tính toán chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, đã đảm bảo tỷ trọng các nguồn điện đã được tính toán hợp lý để Việt Nam đảm bảo đủ điện với giá điện thấp nhất mà vẫn đáp ứng đầy đủ các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong phát thải năng lượng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, dự thảo Quy hoạch điện VIII nếu không tính toán tối ưu dài hạn sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống và lãng phí đầu tư. Bộ Công Thương có ý kiến gì về vấn đề này?

Quy hoạch điện VIII phân chia hệ thống điện Việt Nam thành 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ; giữa các vùng có liên kết với nhau bằng hệ thống truyền tải điện xương sống.

Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam sẽ tính toán tối ưu phát triển nguồn điện trên toàn bộ hệ thống điện và từng tiểu vùng theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ thời kỳ quy hoạch. Một trong những nguyên tắc để xây dựng chương trình phát triển điện lực đó là phát triển cân đối công suất nguồn trên từng tiểu vùng, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện tiểu vùng liên kết với nhau sao cho giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ và tận dụng mùa nước để khai thác hợp lý kinh tế các nhà máy thuỷ điện.

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã sử dụng các phần mềm mô phỏng hệ thống điện nổi tiếng trên thế giới là Balmorel và Plexos để tính toán chương trình phát triển nguồn điện. Đây là các phần mềm tiên tiến, được sử dụng trong tính toán quy hoạch và vận hành hệ thống điện của các nước châu Âu, Nam Phi, Anh, Indonesia, Mexico, thị trường điện Đông Phi, Canada, Trung Quốc; Mỹ, Australia, Anh... Các phầm mềm này đã được Cục Năng lượng Denmak; Tổ chức Hỗ trợ và phát triển Hoa Kỳ USAID tài trợ, huấn luyện sử dụng cho Viện Năng lượng thông qua Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Việc mô phỏng, tính toán này được thực hiện cho tất cả các nhà máy điện trong suốt kỳ quy hoạch. Điều đó có nghĩa rằng kết quả đầu ra của mô hình cho biết cơ cấu nguồn điện hợp lý, phân bổ nguồn điện hợp lý, cân đối trong từng vùng miền và trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi tiến hành xây dựng nguồn điện theo cơ cấu, quy mô và bố trí không gian như kết quả đầu ra của chương trình thì chúng ta đã đạt được tối ưu hóa trong phát triển nguồn điện với chi phí sản xuất điện nhỏ nhất trong suốt thời kỳ quy hoạch.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo báo Công Thương.

 
 

Quy hoạch điện VIII: Huy động nguồn lực, phát triển bền vững ngành điện

Thứ sáu, 12 Tháng 3 2021 02:46

Tin tức

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã dự thảo lần 3, đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi. Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIIIQuy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 10/3, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng

Nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc

Quy hoạch điện VIII được giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chủ trì lập, hiện đã nộp dự thảo lần thứ 3 để Bộ Công Thương xin ý kiến rộng rãi. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, chia thành các nội dung chủ yếu như quan điểm, mục tiêu và phương pháp; hiện trạng hệ thống điện quốc gia và nhu cầu tiêu thụ điện; các tiêu chí, thông số đầu vào để lập quy hoạch; tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện…

Theo tính toán, điện thương phẩm dự báo trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030. Tỉ trọng nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, đây là yếu tố mới của Quy hoạch điện VIII.

Về nhiên liệu cho phát điện, Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện. Giai đoạn tới năm 2030 tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...

Về chương trình phát triển nguồn điện, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp điện, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện với chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Chương trình phát triển nguồn điện đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra nêu trong Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện khoảng 140,2 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD.

Phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, điện năng có vai trò quan trọng, yếu tố mang tính quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy hoạch điện VII đã nhiều lần điều chỉnh để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển ngành điện và kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch điện VII có những bất cập, hạn chế và gặp nhiều khó khăn; cơ cấu nguồn điện thay đổi, nhiều dự án điện chậm tiến độ hoặc không thực hiện được; những vấn đề về bảo vệ môi trường,... Quy hoạch điện VII có tầm nhìn đến 2030, do đó chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn hơn. Vấn đề tiếp theo là thực hiện Luật Quy hoạch mới nên cần phải xây dựng quy hoạch điện bài bản hơn, toàn diện, sát hơn, đáp ứng điều kiện phát triển... “Việc xây dựng, hoàn thiện và sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để huy động nguồn lực, phát triển bền vững ngành điện, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 44% trong tổng nguồn điện vào năm 2045
Phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện, đảm bảo an toàn vận hành của toàn hệ thống, quy mô công suất nguồn

Phó Thủ tướng đánh giá, theo quy hoạch, cơ cấu ngành điện có sự thay đổi cơ bản, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. “Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả phần lớn tiềm năng thuỷ điện, không còn nhiều dư địa để phát triển thêm. Yêu cầu đặt ra với các dự án thuỷ điện trong thời gian tới là phải vận hành gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nguồn năng lượng điện mặt trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này không thực sự ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày, do đó rất cần thiết phải hình thành và duy trì các nguồn điện nền ổn định của cả hệ thống.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển năng lượng tái tạo cần tính đến vấn đề dự trữ điện, đảm bảo an toàn vận hành của toàn hệ thống, quy mô công suất nguồn. Không gian bố trí các dự án điện gần nguồn phụ tải để giảm chi phí cho đường dây truyền tải.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu điện than ngày càng giảm trong tổng công suất nguồn. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn năng lượng đặc biệt quan trọng, là một trong những nguồn điện nền của cả hệ thống. “Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; là công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu cụ thể: Quy hoạch điện VIII cần tính toán đến bố trí nguồn vốn một cách phù hợp, đưa vào danh mục những dự án có thể sớm khai thác trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch điện VIII khẩn trương góp ý kiến vào đề án; các chuyên gia phản biện làm việc tích cực, sớm có báo cáo phản biện. Bộ Công Thương nhanh chóng tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lan Anh

báo công thương

 

Giải pháp khắc phục lỗi Downtime của mạng lưới điện

Thứ hai, 19 Tháng 12 2016 02:21

Tin tức


2Trong các bộ phim Hollywood về đề tài công nghệ, dường như có một công thức chung là các tội phạm, hacker sẽ tìm cách tấn công vào hệ thống mạng internet, hệ thống điện của các tòa nhà, bệnh viện… Hình ảnh các tòa nhà bị tê liệt, các khu dân cư, bệnh viện bị khống chế, rối loạn hoạt động… là những yếu tố tạo ra kịch tính và thu hút người xem. Trên thực tế , những hậu quả của lỗi “downtime” (lỗi gián đoạn điện hay hệ thống thiết bị) này xảy ra không mấy khác trên phim ảnh.

Đọc thêm...

 
 

Trang 7 trong tổng số 7 trang